+   *    +     +     
About Us 
The Issues 
Our Research Products 
Order Publications 
Multimedia 
Press Room 
Resources for Monitor Researchers 
ARCHIVES HOME PAGE 
    >
 
Table of Contents
Country Reports
Việt Nam, Landmine Monitor Report 2003

Việt Nam

Những diễn biến chính kể từ tháng 5/2002: Lần đầu tiên những dữ liệu khảo sát tại địa phương đã cung cấp một bức tranh chi tiết về thương vong do mìn/vật liệu chưa nổ (UXO) gây ra và tình trạng nhiễm bom mìn ở các địa phương thuộc hai tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các dự án rà phá bom mìn, giáo dục phòng tránh và hỗ trợ nạn nhân tiếp tục mở rộng, kể cả sang các địa phương khác trong nước.

Chính sách cấm mìn

Việt Nam chưa tham gia Hiệp ước Cấm mìn. Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục xem mìn sát thương là vũ khí cần thiết và tiết kiệm chi phí cho nền quốc phòng.[1] Tuy nhiên, Việt Nam vẫn “hoàn toàn ủng hộ” các khía cạnh nhân đạo trong hoạt động rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân.[2]

Như các năm qua, Việt Nam bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ủng hộ việc phổ biến Hiệp ước Cấm mìn vào tháng 11/2002. Việt Nam không tham gia Cuộc gặp lần thứ tư của các Quốc gia thành viên tại Geneva hồi tháng 9/2002 hay các cuộc họp của ủy ban thường trực liên kỳ vào tháng 2 và 5/2003.

Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước về Vũ khí thông thường (CCW) đã ký năm 1981, và không tham dự cuộc họp nào của CCW trong năm 2002 hay 2003. Việt Nam cũng không dự hội thảo khu vực về hoạt động phòng chống bom mìn ở Đông Nam á tổ chức tại Phnom Penh tháng 3/2003.

Tại cuộc gặp mặt toàn thể các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) tổ chức thường niên vào tháng 1/2003 ở Hà Nội, Đại sứ Lê Văn Bàng, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ và hiện đứng đầu ủy ban Công tác phi chính phủ nước ngoài, đã xác định bom mìn là một trong bốn vấn đề ưu tiên hỗ trợ phát triển từ phía các NGO.[3]

Sản xuất, chuyển nhượng, tàng trữ và sử dụng

Việt Nam được xem là vẫn tiếp tục sản xuất và tàng trữ một số lượng mìn không xác định, trong khi vẫn duy trì chính sách cấm xuất khẩu. Trả lời phỏng vấn của Landmine Monitor, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng tuyên bố rằng “Việt Nam không trữ một lượng mìn lớn, song chúng tôi có đủ để bảo vệ đất nước mình chống xâm lược.”[4]

Không có báo cáo về việc sử dụng mìn mới đây của các lực lượng thuộc Chính phủ Việt Nam. Các báo cáo trước của Landmine Monitor có nhắc đến những lời cáo buộc chưa được khẳng định về việc sử dụng mìn, hay nói chính xác hơn là tái sử dụng và tái chế mìn của những người làm nghề săn bắn, đánh cá, buôn lậu và buôn bán sắt thép phế liệu. Năm 2002, thêm nhiều chi tiết về các hoạt động này xuất hiện trên báo chí. Những người đi săn trộm ở Vườn Quốc gia Pù Mát đã bị bắt quả tang dùng mìn sát thương để giết thú quí hiếm và ngăn cản cán bộ kiểm lâm, dẫn đến nổ súng giữa thợ săn, lực lượng kiểm lâm và công an địa phương.[5] Một chuyện khác nhắc đến việc sử dụng “thuốc nổ và mìn tự chế” để đánh bắt cá ở các tỉnh miền Trung Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Ngãi. Một người được hỏi cho biết, “Mọi người [trong làng tôi] đều thích dùng mìn vì có thể đánh được nhiều cá hơn.”[6]

Một số trong số mìn này thực sự là mìn sát thương được cài đặt hồi chiến tranh. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, chúng là vật liệu tự chế từ thuốc nổ lấy ra từ những quả bom và quả đạn thời chiến tranh. “Những người săn bom” tìm kiếm và đào bới vật liệu này, bán vỏ kim loại cho người buôn phế liệu và thuốc nổ cho những lái buôn khác. Những người này sau đó cung cấp cho thợ săn và ngư dân.[7] Với giá tới 1,5 triệu đồng (100 đô la Mỹ) một quả bom đã tháo, phần lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp và các công việc khác.[8] Có những ghi nhận về thương vong ở tất cả các giai đoạn trong quá trình này, tạo nên một tỷ lệ đáng kể về số vụ tai nạn có liên quan đến mìn và UXO trong năm 2002. Hai phần trăm (2%) số người được hỏi trong một cuộc khảo sát về phòng tránh bom mìn ở Quảng Trị thú nhận có tham gia tháo gỡ, cưa cắt và/hoặc bán mìn hay UXO.[9]

Vấn đề mìn và UXO

Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICO), một bộ phận của Bộ Tư lệnh Công binh thuộc Bộ Quốc phòng, đã chỉnh lại con số ước tính diện tích đất bị ảnh hưởng bom mìn ở Việt Nam từ “ít nhất là 5%” lên thành “gần 7-8%”. Được biết hiện vẫn còn khoảng 15 - 20% số lượng mìn và UXO từ thời chiến tranh.[10] Các nguồn tin chính thức tiếp tục sử dụng con số từ 350.000-800.000 tấn vật liệu chiến tranh nằm trong lòng đất.[11] Tổ chức Quỹ Cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ (VVAF) đã dẫn nguồn tin của Bộ Quốc phòng cho hay “3 triệu quả mìn [sát thương] vẫn còn nằm trong lòng đất Việt Nam.”[12]

Toàn bộ 61 tỉnh, thành, cũng như các thành phố lớn đều bị ảnh hưởng. Bộ Quốc phòng tuyên bố rằng những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cả nước là các tỉnh miền Trung từ Khu phi quân sự cũ (DMZ) trở vào, gồm Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi.[13]

Ban Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao tháng 5/2003 xác nhận rằng mặc dù đã tháo gỡ nhiều trong những năm 1990, mìn sát thương vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng trên các tuyến biên giới với Trung Quốc và Căm-pu-chia. Có ít mìn song rất nhiều UXO được tìm thấy trên biên giới với Lào. Các bãi mìn tồn tại từ thời chiến dịch Điện Biên Phủ chống Pháp năm 1954, kéo dài đến chiến tranh biên giới với Trung Quốc và Khmer Đỏ những năm 1970. Những vùng nghi ngờ bị ảnh hưởng, thường gọi là “vùng trắng”, nằm gần khu dân cư và được đánh dấu. Trong những trường hợp khác, sơ đồ bãi mìn không có, hoặc vị trí đã bị dịch chuyển do lũ lụt, lở đất và xói mòn.[14]

Landmine Monitor đã rà soát báo chí Việt Nam trong nước từ tháng 1/2002 đến tháng 3/2003 và tìm thấy tai nạn bom mìn xảy ra ở 40 trên 61 tỉnh, thành, kể cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.[15] Trong số 86 vụ tai nạn được ghi nhận, chỉ có 14% xảy ra ở ba tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế), nơi tập trung viện trợ quốc tế. Tai nạn xảy ra nhiêù nhất ở Nam Việt Nam cũ, với Phú Yên ven biển nam Trung bộ và Gia Lai trên Cao nguyên Trung bộ có con số được ghi nhận cao nhất.[16]

Các cuộc điều tra cấp địa phương ở tỉnh Quảng Trị và huyện A Lưới công bố trong năm 2003 (xem phần “Điều tra và Đánh giá” dưới đây) cho thấy rằng trong trường hợp loại vật liệu xác định được, bom bi (BLU 26/36) chiếm 50% số vụ tai nạn ở Quảng Trị và 52% ở A Lưới, đạn cối M-79 chiếm 14% ở Quảng Trị và 26% ở A Lưới, và mìn sát thương chiếm 11% ở Quảng Trị và 12% ở A Lưới.[17] Bom bi gây ra 80% số vụ tai nạn mà đội phản ứng nhanh của tổ chức Clear Path International đã xử lý ở hai địa phương đó trong năm 2002 và quý đầu năm 2003.[18]

Mìn sát thương tập trung quanh các căn cứ quân sự, gần Khu phi quân sự cũ, và ở các khu vực biên giới. Các bãi mìn và khu vực nhiễm UXO nặng gần các khu dân cư thường đã được rà phá từ khi kết thúc chiến tranh, trong khi các khu vực bị ảnh hưởng thuộc vùng núi hay vùng xa thường bị để nguyên.

Số liệu điều tra cho thấy người dân các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thường hay bắt gặp mìn và UXO nhất khi đi lấy củi, làm ruộng hay chăn gia súc, và ở gần nhà.[19] Tới 35% diện tích đất ở Quảng Trị không thể sử dụng để trồng trọt hay tái định cư.[20] 25% số người được điều tra ở Quảng Trị nói rằng bom mìn làm hạn chế khă năng tiếp cận đất nông nghiệp, và 20% nói rằng bom mìn khiến việc di chuyển và đi lại khó khăn.[21] ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế, 35% số người được phỏng vấn không sử dụng phần đất được phân do bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bom mìn.[22]

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam đẩy thêm ngày càng nhiều người dân tới sinh sống gần những khu vực bị ảnh hưởng hơn. Việc mở rộng đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và những nơi khác nay đã tiến đến những vùng trong chiến tranh là khu vành đai quân sự. Đáng kể hơn nữa là những vùng nông thôn xa xôi và bị ảnh hưởng nặng nay đang trở nên dễ tiếp cận nhờ việc xây dựng những con đường mới như Quốc lộ Hồ Chí Minh dài 1.676 km chạy dọc theo biên giới phía tây của Việt Nam. Với khoảng nửa chiều dài con đường sắp hoàn thành và dự kiến khánh thành trong tháng 9/2003, hàng vạn người dân định cư và di cư sẽ chuyển đến những khu đất ven đường để kiếm sống. Tuy nhiên, quân đội mới chỉ rà phá nền đường; những người định khai phá đất đai dọc hai bên đường để trồng trọt hay làm nhà phải tự liều mạng mà làm.[23]

Điều tra và đánh giá

Quân đội Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA) đều đã thu thập số liệu nội bộ về các đối tượng liên quan đến bom mìn. Tuy một số kết luận của các cuộc điều tra này về tổng diện tích đất bị ảnh hưởng bom mìn hay tổng số người bị chết và bị thương kể từ năm 1975 đã được công bố, song chi tiết và phương pháp khảo sát hiếm khi được tiết lộ và độ xác thực của số liệu hiện chưa rõ.

Các cuộc điều tra đánh giá tác động của bom mìn ở địa phương mang tính đột phá đã hoàn thành trong năm 2002 và đầu năm 2003 tại ba huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Công ty tư vấn môi trường Hatfield có trụ sở tại Canada đã tiến hành một cuộc điều tra chung với ủy ban 10-80, một cơ quan của Bộ Y tế Việt Nam có tiếng về nghiên cứu chất độc hóa học, chẳng hạn như chất Da cam. Kinh phí do Cơ quan Phát triển của Canada (CIDA) tài trợ.

Hoạt động thu thập số liệu bắt đầu năm 2001 ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế, và bao gồm các thông tin về thực trạng mìn và UXO, thương vong, mức độ hiểu biết về phòng tránh, cũng như tác động của mìn, UXO và chất độc hoá học tới sức khỏe con người và các hoạt động kinh tế-xã hội. Bảng câu hỏi điều tra cho từng phần của khảo sát được dựa trên kinh nghiệm điều tra về tác động của mìn sát thương do tổ chức Handicap International thực hiện ở Lào năm 1997. Báo cáo cuối cùng của Hatfield, ra mắt tháng 1/2003, sử dụng số liệu ném bom của Mỹ trong thời gian chiến tranh và phương pháp cảm biến số liệu từ xa bằng thiết bị địa không gian kết hợp với phỏng vấn tại chỗ.[24]

Tài liệu điều tra về mìn/UXO của công ty Hatfield và ủy ban 10-80 đã được sử dụng ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế, nơi tháng 1/2002 tổ chức Australian Volunteers International bắt đầu triển khai dự án rà phá UXO và phát triển cộng đồng do AusAID tài trợ, với sự đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật của MAG. Cuộc điều tra ở Phong Điền, hoàn toàn do cán bộ huyện tiến hành và hoàn thành vào tháng 3/2003, đã phỏng vấn các nạn nhân bom mìn sống sót, gia đình họ, và những người cao tuổi trong làng.[25]

ở tỉnh Quảng Trị, Dự án RENEW, sáng kiến chung của chính quyền tỉnh và tổ chức Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ (VVMF), đã tiến hành điều tra đánh giá tác động của bom mìn ở huyện Triệu Phong trong tháng 9/2002. RENEW sau đó đã thực hiện hai khảo sát trong toàn tỉnh cùng với UNICEF và Sở Y tế tỉnh, một khảo sát về “KAP” (Hiểu biết, ý thức và Hành vi) và khảo sát thứ hai về thương vong. Các cuộc phỏng vấn đã được tiến hành ở 12.000 hộ gia đình, sử dụng bộ Tiêu chuẩn Phòng chống bom mìn Quốc tế (IMAS) năm 2001. Kinh phí điều tra tổng cộng 35.000 đôla do UNICEF, Quỹ Freeman, và Công ty Thương mại điện tử Christos Cotsakis tài trợ.[26] Kết quả của các cuộc điều tra này, cũng như điều tra ở huyện Triệu Phong, sẽ được chính thức công bố vào tháng 6/2003.

Đề án điều tra lớn nhất cho Việt Nam, một cuộc điều tra về tác động của bom mìn, đã được đưa ra đàm phán từ tháng 12/2000.[27] Tháng 1/2003 đã đạt được bước đột phá khi VVAF và BOMICO ký biên bản thỏa thuận.[28] Văn kiện dự án và kinh phí, tuy vậy, vẫn còn phải được Bộ trưởng Quốc phòng, Thủ tướng và các bộ có liên quan khác phê duyệt trước khi tiến hành thực hiện. VVAF tin tưởng rằng các bước này sẽ được hoàn tất vaod giữa hay cuối năm 2003.[29] Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết cấp kinh phí 6 triệu đôla cho cuộc điều tra này.[30]

Giai đoạn đầu tiên của cuộc điều tra được phép thu thập số liệu ở ba tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh). Việc mở rộng dự án trong tương lai còn phụ thuộc vào nhận xét về giai đoạn đầu này của các cơ quan chức năng của Việt Nam, VVAF và cơ quan tài trợ Mỹ.[31] Việc thu thập số liệu sẽ do BOMICO thực hiện và đối chiếu với số liệu lưu trữ về việc ném bom của Mỹ. Do các cuộc điều tra của UNICEF và RENEW đã thu thập hầu hết thông tin này ở Quảng Trị, VVAF hy vọng có thể dựa trên tài liệu sẵn có để điều chỉnh các biểu mẫu chuẩn.[32]

Điều phối và lập kế hoạch

Năm 2002 không ghi nhận sự chuyển biến nào trong hoạt động điều phối ở cấp quốc gia. Bộ Quốc phòng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động phòng chống bom mìn.[33] BOMICO chịu trách nhiệm điều tra và nghiên cứu về mìn/UXO, công nghệ và trang thiết bị rà phá, và tháo gỡ bom mìn. Công ty có thể tham gia các thỏa thuận quốc tế với sự cho phép của Bộ Quốc phòng.[34] Tuy nhiên BOMICO không phải là cơ quan điều phối quốc gia đối với các dự án do nước ngoài tài trợ.

ở cấp tỉnh, chính quyền Quảng Trị hiện đang xin phép mở một “trung tâm điều phối bom mìn”. Trung tâm này có thể trở thành mô hình để các tỉnh khác học tập. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cử hai đoàn đến Quảng Trị để nhắm địa điểm mở trung tâm.[35]

Hiện nay, chính quyền tỉnh Quảng Trị đang điều phối và quản lý các đối tác quốc tế trong hoạt động rà phá, giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ kinh tế và trợ giúp nạn nhân tại 5 huyện. Tổng cộng có 20 tổ chức của Việt Nam, trong đó có Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, hiện đang “vừa làm vừa học” cùng với các tổ chức quốc tế, chuyên nghiệp hoá hoạt động của mình. Kết quả là Phòng Đối ngoại tỉnh Quảng Trị đã được nâng lên cấp quốc gia vào đầu năm 2003.[36]

Một số NGOs đã gặp khó khăn khi mở rộng hoạt động từ tỉnh này sang tỉnh khác - dù đó là tỉnh lân cận. Do việc này đòi hỏi phải tiến hành thỏa thuận về dự án mới với chính quyền tỉnh thứ hai lại từ đầu nên nó cũng đầy thử thách như khi mới đến một đất nước xa lạ.[37]

Rà phá mìn/UXO

Rà phá quân sự

Quân đội Nhân dân Việt Nam là cơ quan chủ chốt tham gia hoạt động rà phá. Bất kỳ ai phát hiện thấy mìn hoặc UXO trên đất ở hay công trường của mình đều có thể liên hệ với ban chỉ huy quân sự huyện. Các hoạt động rà phá qui mô lớn và khó hơn do Bộ Tư lệnh Công binh hay những công ty rà phá bom mìn thương mại của quân đội như trưnừg Sơn và Lũng Lô tiến hành.[38] BOMICO cũng rà phá theo hợp đồng, cũng như chịu trách nhiệm đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn, phát triển trang thiết bị, điều tra, thống kê và nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Công binh.[39]

Các công ty và đơn vị quân đội tính 18-20 triệu đồng (1.170-1.300 đôla) một hécta công rà phá những vùng bị nhiễm ít bom mìn, và tới 40-50 triệu đồng (2.600-3.250 đôla) đối với những nơi bị nhiễm nặng.[40]

Theo Đại tá Bùi Minh Tâm, Giám đốc BOMICO, hoạt động rà phá bom mìn do Chính phủ tài trợ tập trung vào các mục tiêu hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nhà ở và các dự án hạ tầng qui mô lớn. Về nông nghiệp, mới chỉ rà phá trên bề mặt và ở độ sâu 0,3 mét, trong khi ở các khu vực khác rà phá được thực hiện ở độ sâu lớn hơn tuỳ theo yêu cầu của các hoạt động tiếp theo, như xây dựng chẳng hạn. đại tá Tâm cho biết, từ năm 1975 đến năm 2002, 1.200 triệu mét vuông đã được rà phá với 4 triệu quả mìn sát thương và 8 triệu vật liệu chưa nổ được tháo gỡ. Không có số liệu thống kê hàng năm.[41]

Hoạt động rà phá ở các khu vực biên giới do cả các đơn vị quân đội lẫn các đội công binh biên phòng tiến hành. Giai đoạn rà phá dọc biên giới đầu tiên đã được hoàn thành vào những năm 1990; Giai đoạn hai, chi tiết hơn, hiện đang được thực hiện.[42] ở các tỉnh Lai Châu và Lạng Sơn trên biên giới Trung Quốc, dải đất dọc biên giới đã được rà phá, và hoạt động rà phá hiện đang được tiến hành trong các thung lũng và dọc theo những con đường cắt ngang qua biên giới.[43]

Dự án rà phá bom mìn lớn nhất của quân đội trong những năm gần đây là một phần trong công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh vắt ngang những dãy núi ở miền Trung Việt Nam. Chi phí xây dựng con đường này là 500 triệu đôla; 10 triệu đôla, hay 2% trong số đó được chi cho rà phá bom mìn, vượt quá con số dự toán.[44] Chỉ riêng đoạn từ Hà Tĩnh đến Kon Tum, báo chí đưa tin trong tháng 4/2002 rằng 20.000 quả bom đã được phát hiện ở độ sâu tới 10 mét.[45] Các dự án rà phá quân sự khác hiện nay gồm xây cầu và mở rộng đường dọc theo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9 và dọc biên giới Lào.[46]

Năm 2002, các đội công binh rà phá bom mìn đã được sử dụng nhiều trong các hoạt động xây dựng, kể cả hỗ trợ các công ty quốc tế như nhà máy của Nestle ở thành phố Hồ Chí Minh và đường ống dẫn dầu của British Petroleum (BP) ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.[47] Tại một địa điểm bị nhiễm bom mìn nặng ở Quảng Trị, nơi tỉnh dự kiến xây dựng một nhà máy chế biến sắn, chính quyền tỉnh đã thuê một cơ quan rà phá bom mìn quốc tế chứ không nhờ quân đội.[48]

Các tổ chức quốc tế

Có 5 tổ chức quốc tế tham gia hoạt động rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên-Huế trong năm 2002. Kể từ khi dự án đầu tiên được quốc tế tài trợ bắt đầu vào năm 1996, 6,57 triệu mét vuông đất ở Quảng Trị đã được tháo gỡ 35.000 quả mìn và UXO; tổng số 1,6 triệu mét vuông đất đã được rà phá trong năm 2002 và ba tháng đầu năm 2003.[49] Năm 2002, 634.950 mét vuông đất đã được rà phá ở Thừa Thiên-Huế.[50]

Tổ chức phi chính phủ Anh Mines Advisory Group (MAG), với 150 nhân viên địa phương và 7 cố vấn nước ngoài, là tổ chức lớn nhất trong số các cơ quan rà phá bom mìn quốc tế. Năm 2002, MAG đã hoàn thành một dự án kéo dài hai năm rưỡi, rà phá một khu đất 150 hécta ở huyện Gio Linh. Dự án này ban đầu do Cơ quan Viện trợ Đan Mạch (DANIDA), sau đó là Adopt-A-Minefield và Quỹ Freeman tài trợ. Hoạt động sau đó được triển khai tại 4 địa điểm mới với tổng diện tích 165 hécta ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị, do Adopt-A-Minefield và các cơ quan khác tài trợ. Tháng 11/2002, MAG ký thỏa thuận trị giá 639.000 đôla để rà phá 80 hécta ở huyện Lệ Thủy. MAG còn ký thỏa thuận hai năm trị giá 620.000 đôla với tỉnh để triển khai đội rà phá bom mìn lưu động của tỉnh. Tổ chức này còn hỗ trợ kỹ thuật cho đội rà phá bom mìn lưu động do úc tài trợ, bắt đầu hoạt động ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế năm 2003. Không giống như các hoạt động của MAG, dự án của tổ chức Australian Volunteers International lại có sự tham gia của một nhóm công binh quân đội.[51]

Hai NGO Đức cũng đã mở rộng hoạt động trong năm 2002 là Solidaritaetsdienst International (SODI) ở tỉnh Quảng Trị và Potsdam Kommunikation (PK) ở Thừa Thiên-Huế. Cả hai tổ chức đều quản lý các dự án phòng chống bom mìn tổng hợp, giáo dục phòng tránh và tái định cư. Trong mảng hoạt động rà phá, chuyên gia từ công ty rà phá bom mìn Đức GERBERA giám sát việc rà phá và đào tạo kỹ thuật viên rà phá người Việt.[52] SODI đã rà phá xong hai địa điểm với tổng diện tích 4,13 triệu mét vuông ở các huyện Cam Lộ và Triệu Phong, Quảng Trị, vào tháng 12/2002. PK bắt đầu rà phá vào tháng 5/2002 trên diện tích 750.000 mét vuông thuộc các xã Phú Bài và Thủy Phú, Thừa Thiên-Huế.[53] đến cuối năm, tổ chức này đã rà phá được 614.950 mét vuông.[54] Kinh phí cho các dự án này, trung bình 300.000-500.000 đôla mỗi năm cho SODI và PK, lấy từ Bộ Ngoại giao Liên bang Đức và Bộ Hợp tác Kinh tế Đức.[55]

Tổ chức phi chính phủ Mỹ Clear Path International đã rà phá xong 12.500 mét vuông cuối cùng trong số 435.000 mét vuông đất ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị, vào tháng 6/2002. Dự án trị giá 700.000 đôla do Quỹ Freeman tài trợ và hợp đồng thực hiện với tập đoàn rà phá bom mìn thương mại UXB International triển khai trên một phần của “Hàng rào McNamara” nằm về phía nam của DMZ.[56] Một NGO khác của Mỹ là PeaceTrees Vietnam đã rà phá 60.000 mét vuông trong năm 2002.[57] Khu đất này là một phần của Làng Hữu nghị Đông Hà mà PeaceTrees đã trao tặng hồi tháng 9/2002.[58]

Hoạt động rà phá bom mìn lưu động ngày càng được chú trọng. MAG đã triển khai đội lưu động ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, trong năm 2001, chuyển hoạt động sang huyện Hải Lăng tháng 5/2002. Hai đội gồm 6 người mỗi đội đi đến từng nhà, tháo gỡ 200-300 vật liệu nổ mỗi tuần. ở Quảng Bình, MAG bắt đầu tổ chức một đội lưu động ở Đồng Hới trong tháng 5/2003.[59] Các đội lưu động của SODI tham gia cả việc rà phá nhỏ lẫn giáo dục phòng tránh bom mìn, bắt đầu vào tháng 4/2002 ở hai huyện Cam Lộ và Triệu Phong, Quảng Trị.[60] Potsdam Kommunikation triển khai hoạt động của một đội lưu động “đặc biệt” xung quanh tỉnh Thừa Thiên-Huế trong năm 2002 và dự định bổ sung thêm một đội lưu động thường trực gồm một chuyên gia Đức và năm chuyên gia Việt Nam cho dự án tổng hợp của tổ chức này được thực hiện trên toàn tỉnh trong tháng 7/2003.[61] Các tổ chức khác có kế hoạch thành lập các đội lưu động vào cuối năm 2003 là Dự án RENEW và Australian Volunteers International.[62]

Tái định cư và sử dụng đất sau rà phá

Tất cả các tổ chức quốc tế hoạt động ở miền Trung Việt Nam đều đưa kế hoạch sử dụng đất sau rà phá vào dự án. SODI tái định cư cho 100 gia đình ở một làng mới thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị, đồng thời xây dựng một trường tiểu học mới và hệ thống điện, nước.[63] Thêm 1.000 gia đình sẽ được tái định cư trên một diện tích đất 1,1 triệu mét vuông đã rà phá ở huyện Cam Lộ, nơi SODI hiện đang xây dựng hai làng tái định cư mới.[64] Tháng 9/2002, tổ chức PeaceTrees Vietnam đã giao tặng Làng Hữu nghị ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị, tại một địa điểm thuộc căn cứ lính thuỷ đánh bộ cũ của Mỹ. Dự án trị giá 300.000 đôla này xây tặng nhà ở cho 100 gia đình có hoàn cảnh khó khăn.[65]

Tại địa điểm do MAG rà phá ở huyện Gio Linh, 1 triệu mét vuông đã được bàn giao lại cho các gia đình địa phương, và 78 ngôi nhà được xây với chi phí 24 triệu đồng (1.560 đôla) mỗi căn. Khu tái định cư này đã được chính thức khánh thành vào tháng 3/2003 và đánh dấu giai đoạn đầu tiên của dự án phục hồi môi trường gồm hệ thống đường sá, thủy lợi, cung cấp điện, trường học và trạm y tế.[66] Tổ chức Plan International sẽ thực hiện vai trò tương tự, phối hợp cùng với MAG xây dựng sau rà phá ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, bắt đầu vào tháng 5/2003.[67]

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tổ chức Potsdam Kommunikation đã quyên góp tài trợ để xây dựng một nhà trẻ và một trường học, hỗ trợ trực tiếp cho 35 gia đình nghèo ở xã Duong Hoa, nơi đã rà phá xong trong năm 2002. Các hoạt động tái định cư của PK được lập kế hoạch trước ít nhất là một năm dựa trên những ưu tiên của đối tác dự án và hoạt động rà phá được thực hiện ở nhiều khu vực khác nhau.[68]

Giáo dục phòng tránh bom mìn

ở cấp trung ương, Chính phủ Việt Nam tiến hành hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn như là một phần của chương trình phòng tránh thương tật quốc gia. ủy ban Thường trực Quốc gia về Phòng tránh tai nạn và thương tật, nòng cốt là Bộ Y tế, đã được thành lập năm 2001. ủy ban còn bao gồm thành viên từ các tổ chức quần chúng được Chính phủ hỗ trợ như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Hội nghị Quốc gia về Phòng tránh thương tật do UNICEF tài trợ đã diễn ra trong tháng 9/2002.[69] Trong các năm 2003-2005, ủy ban Thường trực đã lên kế hoạch mở rộng chương trình phòng tránh thương tật, trong đó có giáo dục phòng tránh bom mìn, trong các nhà trường và cộng đồng trên cả nước, với sự hỗ trợ của UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thêm vào đó, ủy ban còn có kế hoạch thực hiện một cuộc điều tra chi tiết về thương tật ở 6 tỉnh, trong đó có Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế vào cuối năm 2003.[70]

Một số tổ chức quần chúng cũng có các chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn riêng ở những vùng bị ảnh hưởng nặng. Phần lớn các nỗ lực này được nhắm vào trẻ em. ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các chương trình nghệ thuật, trò chơi và các cuộc thi nhằm nhắc nhở các em cảnh giác với hiểm hoạ bom mìn.[71]

UNICEF triển khai một chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn trên toàn quốc vào tháng 1/2002 với sự hợp tác của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục-Đào tạo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các chương trình dựa vào nhà trường ở cấp cộng đồng. Các hoạt động bao gồm thực hiện một chương trình học ở 15 tỉnh, dịch tài liệu của các quốc gia khác, và làm biển báo bom mìn, cũng như tiến hành vận động ở cấp quốc gia. Chương trình trị giá 250.000 đôla kết thúc vào cuối năm 2003.[72]

Dự án RENEW phát sóng ba bộ phim tài liệu về mìn và UXO trên truyền hình tỉnh trong năm 2002, cũng như 14 thông điệp chung phát lần lượt mỗi tuần, mỗi thông điệp nhắm tới một nhóm đối tượng có nguy cơ cao cụ thể như nông dân, trẻ em và người buôn bán phế liệu. Kinh phí 58.000 đôla cho hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn năm 2002 của tổ chức này do UNICEF và các cá nhân tài trợ.[73]

Dự án thí điểm của tổ chức Catholic Relief Services phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Quảng Trị để giới thiệu chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn bậc tiểu học ở 5 xã của huyện Triệu Phong, Quảng Trị, hiện đang dự kiến nhân rộng ra toàn tỉnh. Năm 2002, dự án đã giúp cho 200 giáo viên và 4.050 học sinh, với kinh phí một năm là 155.000 đôla.[74]

Tổ chức PeaceTrees Vietnam tiến hành tập huấn giáo viên về giáo dục phòng tránh bom mìn cùng với Hội Phụ nữ và tại các thư viện ở Quảng Trị, và đã tập huấn được cho trên 2.000 người trong năm 2002.[75] SODI kết hợp các hoạt động giáo dục phòng tránh với hoạt động của các đội xử lý vật liệu nổ ở các huyện Cam Lộ và Triệu Phong, và tính cho đến nay đã đến được với 5.000 học sinh.[76]

Tổ chức Potsdam Kommunikation bắt đầu một chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn cho cộng đồng trên toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế trong năm 2002, với trọng tâm là đi thăm các trường học ở huyện Hương Thủy, nơi đang tiến hành hoạt động rà phá. Tổ chức này thực hiện các hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn với sự phối hợp của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tỉnh.[77] Tổ chức Vietnam Assistance for the Handicapped triển khai dự án giáo dục phòng tránh bom mìn dài hai năm ở các tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa vào tháng 4/2002, với sự hợp tác của Sở lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.[78]

Số liệu điều tra và kết quả đánh giá từ nhiều chương trình nói trên đã được công bố trong năm 2002 và đầu năm 2003, chỉ ra được mức độ nhận thức về phòng tránh bom mìn của người dân và hiệu quả của các hoạt động nâng cao ý thức phòng tránh bom mìn. 93% số người được điều tra ở Quảng Trị ý thức được rằng mìn làm chết người hoặc gây thương tật. 10% ngày nào hoặc tuần nào cũng nhìn thấy UXO hoặc mìn, 17% mỗi tháng bắt gặp ít nhất một lần, và 44% mỗi năm bắt gặp ít nhất một lần. Tuy nhiên chỉ rất ít người cắm biển báo xuống đất (15%); hầu hết đơn giản là bỏ đi mà không nói với ai (41%), trong khi 35% có báo cáo chính quyền địa phương.[79]

Những biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao ý thức phòng tránh là truyền hình mà theo điều tra ở Quảng Trị, đến được với 95% dân chúng. Đứng thứ hai là các chương trình nhắm vào trường học, đạt 17-19%, và thứ ba là hoạt động ngoại tuyến dựa vào cộng đồng.[80] CRS phát hiện thấy số người thu nhặt phế liệu ở hai xã có dự án giáo dục trong nhà trường giảm 38%, và gắn sự thay đổi này với việc trẻ em có tác động đến hành vi của cha mẹ.[81] Cũng như vậy, UNICEF tuyên bố “có mối tương quan chặt chẽ giữa việc thực hiện các hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn có chất lượng với việc số vụ tai nạn có liên quan đến bom mìn giảm đi.”[82] Ông Hoàng Đăng Mai, Trưởng phòng Đối ngoại Quảng Trị đồng ý rằng “người dân ở những vùng bị ảnh hưởng xử sự tự tin hơn và an toàn hơn so với trước đây.”[83]

Kinh phí cho hoạt động phòng chống bom mìn

Việt Nam không công bố ngân sách quốc gia dành cho hoạt động phòng chống bom mìn, song các nguồn tin chính thức cho biết rằng Chính phủ mỗi năm đầu tư “hàng trăm tỷ đồng (hàng chục triệu đôla) cho hoạt động phát hiện và tháo gỡ bom mìn”.[84] Bộ Quốc phòng ước tính rằng việc rà phá toàn bộ sẽ tốn 4 tỷ đôla, cộng thêm 1 tỷ nữa cho các nhu cầu hỗ trợ nạn nhân.[85]

Tổng kinh phí cho hoạt động phòng chống bom mìn nhân đạo ở Việt Nam là 3.638 triệu đôla trong năm tài chính Mỹ 2002.[86] Chương trình rà phá bom mìn nhân đạo của Bộ ngoại giao Mỹ đã tài trợ 1,5 triệu đôla cho trang thiết bị rà phá bom mìn. Khoản viện trợ cấp qua BOMICO này bao gồm máy dò mìn Minelab F1A4, trang bị bảo hộ cá nhân, máy dò kim loại sâu, dụng cụ xử lý vật liệu chưa nổ, bộ dụng cụ y tế dùng trong trường hợp chấn thương do nổ, xe cơ giới, và thiết bị rà phá bom mìn dưới nước.[87] Bộ Quốc phòng Mỹ đã đóng góp ước khoảng 638.000 đôla, và Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy của USAID ủng hộ 1,5 triệu. Quỹ nạn nhân chiến tranh Leahy đã viện trợ 16 triệu đôla cho người tàn tật ở Việt Nam kể từ năm 1991.[88]

Cơ quan viện trợ Nhật Bản JICA đã hỗ trợ Quân đội Nhân dân Việt Nam 866.000 đôla để mua sắm trang thiết bị rà phá bom mìn.[89] Đây là một phần trong tổng số 12 triệu đôla Nhật Bản cam kết hồi tháng 4/2002 để hỗ trợ rà phá bom mìn trên xa lộ Hồ Chí Minh.[90]

Các NGOs quốc tế hoạt động phòng chống bom mìn và hỗ trợ nạn nhân đã nhận được kinh phí từ các nguồn song phương, đa phương và tư nhân trong năm 2002. AusAID tài trợ 650.000 đôla Mỹ cho chương trình rà phá bom mìn/ phát triển cộng đồng tổng hợp của tổ chức Australian Volunteers International ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế trong năm 2002.[91] Đức đóng góp 519.000 đôla cho Potsdam Kommunikation và 585.000 đôla cho SODI trong năm 2002.[92] Các nước tài trợ song phương khác được ghi nhận gồm Canada, Luxembourg, Ireland, và Anh quốc.[93]

UNICEF bắt đầu tài trợ chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn riêng vào tháng 1/2002 và còn cấp kinh phí cho một cuộc điều tra của Dự án RENEW ở tỉnh Quảng Trị.

Về kinh phí từ nguồn tư nhân, các NGOs quốc tế trong năm 2002 nhận được những khoản tài trợ từ 14 quỹ và tổ chức tài trợ từ thiện.[94] Nhà tài trợ tư nhân lớn nhất là Quỹ Freeman có trụ sở ở Mỹ đã hỗ trợ hoạt động của các tổ chức Clear Path International, MAG, PeaceTrees Vietnam, Dự án RENEW, và Vietnam Assistance to the Handicapped.

Thương vong do mìn/UXO

Hiện không có một cơ chế toàn diện để thu thập và ghi nhận thông tin về thương vong do mìn/UXO gây ra ở Việt Nam. Năm 2002, một bài báo đưa tin rằng 66 người đã bị giết và 100 người bị thương trong các vụ tai nạn bom mìn xảy ra trong năm.[95] Tuy nhiên, BOMICO ước tính rằng “trung bình” 1.110 người đã bị chết và 1.882 người bị thương mỗi năm,[96] song không đưa ra dữ liệu nào để chứng minh cho con số này. Điều tra riêng của Landmine Monitor trên báo chí địa phương ghi nhận được 73 vụ tai nạn bom mìn, làm chết 67 người và bị thương 86 người trong năm 2002.[97] Những con số này mới chỉ là số tai nạn được đưa tin trên báo chí, chứ chưa tính những vụ khác mà các tổ chức phòng chống bom mìn ở địa phương được biết. Năm 2001, theo một bài báo được tin, 97 người đã bị giết và 140 người bị thương trong các vụ tai nạn bom mìn.[98]

Tổ chức Clear Path International (CPI) ước tính rằng 85% số vụ tai nạn bom mìn ở Quảng trị và Thừa Thiên-Huế được báo cáo, song ở các tỉnh khác thì ít hơn nhiều, đặc biệt là những vùng núi xa xôi. CPI đã xử lý 16 vụ tai nạn chỉ riêng ở Quảng Trị trong quý đầu năm 2003, 70% ở các huyện cùng xa Đa Krông và Hướng Hóa.[99] Chỉ 2 trong số 16 vụ đó được báo chí trong nước đưa tin.

Kết quả điều tra ở Quảng Trị cho thấy một nửa số nạn nhân bị thương là trẻ em, trong khi theo điều tra ở Thừa Thiên Huế trẻ em chiếm tỷ lệ ít hơn trong số nạn nhân. Dự án RENEW phát hiện ra rằng nhóm nạn nhân đông nhất (44%) ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị, là ở độ tuổi 16-30, và 80% trên tổng số thương vong là nam giới.[100]

Số liệu về nạn nhân thu được từ các cuộc điều tra địa phương công bố trong năm 2002-2003 cho thấy số vụ tai nạn bom mìn giảm đi rõ rệt trong thời gian qua. ở tỉnh Quảng Trị, tỷ lệ giảm tới 45-50% kể từ giữa thập niên 90. Chính quyền tỉnh đánh giá tiến bộ này là nhờ bom mìn trong lòng đất ít đi và ý thức phòng tránh được nâng cao.[101]

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tuyên bố không có thương vong trong lực lượng công binh làm việc trên các dự án xây dựng đường hay các khu vực biên giới trong năm 2002, [102] mặc dù trước đó có tai nạn được ghi nhận.[103] Một chiến sĩ công binh đã bị thương tại khu vực rà phá của Potsdam Kommunikation ở Huế tháng9/2002.[104]

Số liệu mới nhất hiện có trên cả nước của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đề ngày 31/12/2000 ghi nhận 38.849 người bị chết và 65.852 người bị thương kể từ năm 1975,[105] tăng thêm 601 người chết và 1.788 người bị thương kể từ con số tháng 5/1998 đã đưa trong các báo cáo trước của Landmine Monitor.[106]

Thương vong tiếp tục được ghi nhận trong năm 2003. Điều tra qua báo chí của Landmine Monitor ghi nhận 18 vụ tai nạn bom mìn làm 16 người chết và 26 người bị thương trong quý đầu năm 2003.

Hỗ trợ nạn nhân

Nạn nhân bom mìn thường nghèo hơn cả những người có mức thu nhập trung bình ở những tỉnh vốn đã nằm dưới mức trung bình quốc gia. Ví dụ, 60% nạn nhân ở Quảng Trị có “thẻ nghèo” xác nhận họ nghèo dưới mức đường nghèo quốc gia. Gần 1/3 số gia đình nạn nhân bom mìn sống bằng 5.000 đồng (0,30 đôla) hoặc ít hơn mỗi ngày, và 90% sống trong điều kiện nhà ở tồi tàn. Tỷ lệ thất nghiệp của nạn nhân bom mìn cao gấp 3,5 lần so với trước khi bị thương.[107]

Theo điều tra của UNICEF, 96% nạn nhân ở Quảng Trị và gia đình họ cho biết rằng đến nay họ chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. 4% còn lại nhận được sự trợ giúp từ các NGOs hoặc Chính phủ, hoặc từ cả hai. Ưu tiên hàng đầu đối với 80% người được hỏi là hỗ trợ về tài chính, dưới hình thức tài trợhoặc cho vay. Chỉ có 2% xem phục hồi chức năng, chân tay giả hay nẹp chỉnh hình là ưu tiên hàng đầu, mặc dù đó có thể là nhu cầu thứ yếu.[108]

ở Việt Nam, các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe do Bộ Y tế cung cấp ở các tuyến tỉnh, huyện và xã, còn dịch vụ phục hồi chức năng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) cung cấp. Không có sự phân biệt trong điều trị và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn. Trên thực tế, đa số các NGOs quốc tế làm việc về vấn đề người tàn tật không phân biệt nạn nhân bom mìn với những người tàn tật khác.[109]

Các cơ quan Việt Nam trợ giúp nạn nhân bom mìn

Việt Nam có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng thích hợp cho nạn nhân bom mìn. Tuy nhiên, các nạn nhân vẫn gặp trở ngại về địa điểm và chi phí để tiếp cận các dịch vụ này. Phần lớn các vụ tai nạn bom mìn xảy ra ở nơi xa trung tâm tỉnh, nơi tập trung các cơ sở y tế. Đặc biệt, khu vực miền Trung lại được đáp ứng chưa đủ.

Điều tra ở huyện Phong Điền phát hiện rằng 51% số nạn nhân được chăm sóc y tế ở bệnh viện tỉnh, 33% tại trung tâm y tế huyện, và 14% tại các phòng khám xã. 2% còn lại không được chăm sóc y tế đúng nghĩa.[110] Vị trí ven biển và khoảng cách đến Huế của huyện Phong Điền là yếu tố tích cực trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Nạn nhân ở các huyện xa xôi hơn khó có thể có được những kết quả này.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bom mìn có “thẻ nghèo” hoặc các cựu chiến binh của Quân đội (Bắc) Việt Nam được cung cấp miễn phí. Chương trình bảo hiểm y tế cho người tàn tật chỉ phục vụ được 1% tổng số người tàn tật được ước tính.[111] Những người khác phải trả phí tuy là ít theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng có thể là khoản chi không nhỏ đối với nạn nhân và gia đình họ.

Các cơ sở phục hồi chức năng cung cáp dịch vụ cho người tàn tật, bất kể nguyên nhân. Khó có thể theo dõi số liệu thống kê người được trợ giúp do đa số các bệnh viện ở Việt Nam không có cơ sở dữ liệu điện tử.[112]

Ngoài các cơ sở phục hồi chức năng y tế, Việt Nam có một mạng lưới dịch vụ phụchồi chức năng ngoại tuyến và dựa vào cộng đồng tại 45 trên 61 tỉnh. Theo Bộ Y tế, hệ thống này đã tập huấn cho 120 cán bộ chuyên môn cấp trung ương, 550 tập huấn viên và kỹ thuật viên phục hồi chức năng cấp tỉnh, huyện, và 10.000 cán bộ và tình nguyện viên ở cộng đồng. Chiến lược của Bộ kêu gọi mở rộng các dịch vụ dựa vào cộng đồng trên toàn quốc đến năm 2020.[113]

Có 17 trung tâm chính thức cung cấp chân tay giả và nẹp chỉnh hình trong cả nước, song không có một trung tâm nào hoạt động ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nằm ở khoảng giữa Nghệ An và Đà Nẵng.[114] Hiện tại, nạn nhân bom mìn mới từ tất cả các tỉnh miền Trung đều được gửi đến Đà Nẵng, nơi có cơ sở vật chất được coi là tốt nhất.[115] Một thỏa thuận của tổ chức phi chính phủ Mỹ Vietnam Assistance for the Handicapped (VNAH) để mở một phòng khám chân tay giả ở vùng Cao nguyên Trung bộ nhạy cảm về chính trị đã được ký kết trong năm 2002, nhưng sau đó đã bị bác bỏ.[116]

Việt Nam sản xuất ước khoảng 20.000 chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình mỗi năm tại hơn 20 trung tâm công và tư. đa số các dụng cụ này được làm tại các trung tâm do MOLISA và các cơ quan trực thuộc cấp tỉnh hay DOLISAs điều hành. Với 230 kỹ thuật viên được đào tạo trên cả nước và mỗi người có thể sản xuất tới 500 dụng cụ một năm, năng lực sản xuất là quá thừa.[117] Vấn đề chủ yếu là phân phối và khả năng chi trả.

Trung tâm chân tay giả/nẹp chỉnh hình tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị từng là một trong những nơi cung cấp chân tay giả hàng đầu trong nước. Tuy nhiên, tổ chức Handicap International Bỉ (HIB) đã kết thúc chương trình vào năm 2001, và hiện nay xưởng này chỉ còn sản xuất khảng 3 dụng cụ chỉnh hình mỗi tháng.[118] Tỉnh được Bộ Y tế cấp kinh phí cho chăm sóc y tế cơ bản , chứ không có kinh phí cho dụng cụ trợ giúp.[119] HIB từ đầu đã lập kế hoạch cho xưởng này hoạt động độc lập theo “chế độ phục hồi chi phí”, bằng cách đó bệnh nhân khá giả hơn có thể bù chi phí cho bệnh nhân nghèo như đã làm ở thành phố Hồ Chí Minh và những nơi khác trong cả nước.[120] Một số NGOs quốc tế khác hiện đang xem xét khả năng mở lại dịch vụ tại trung tâm này.

Chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình không được đưa vào các chương trình y tế quốc gia, song được cung cấp từ các trung tâm phục hồi chức năng do quốc tế tài trợ và trung tâm tư nhân cho những ngưòi có thể đến được. Đối với các nạn nhân ở huyện A Lưới, ủy ban 10-80 tính chi phí đi lại tới Huế là khoảng 30 đôla và chi phí phẫu thuật trung bình là 650-950 đôla.[121] Những người không thể chi trả những chi phí này hoặc sống cách xa các cơ sở phục hồi chức năng của nhà nước hơn nữa không có cách nào khác hơn là điều trị tại địa phương và sau đó mua chân tay giả trên thị trường tư nhân. Giá tiền hiện nay đối với một chiếc chân giả kém chất lượng tại biên giới Trung Quốc là 500.000 đồng (32.50 đôla) cho loại dưới gối và 1.000.000 đồng (65 đôla) cho loại trên gối.[122] Dụng cụ tự làm cũng thường gặp ở những vùng khác trong nước, đặc biệt xa các trung tâm đô thị. Hầu hết có chất lượng kém và không thoải mái cho người sử dụng.[123]

Các chương trình quốc tế hỗ trợ nạn nhân bom mìn

ICRC tiếp tục là tổ chức quốc tế đi đầu trong trợ giúp nạn nhân bom mìn. Các trung tâm của ICRC ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cung cấp vật liệu nhựa polypropylene để làm dụng cụ chỉnh hình trên khắp cả nước. Ngày 30/12/2002, ICRC, MOLISA và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (VNRC) đã ký thỏa thuận ba bên về cung cấp 3.460 chân tay giả trong năm 2003 ở các tỉnh miền Trung và miền Nam gồm Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Kon Tum và thành phố Hồ Chí Minh. VNRC được giao trách nhiệm xác định những người què cụt cần dịch vụ này.[124] Năm 2002, ICRC đã thanh toán chi phí làm 1.900 chân tay giả cho những người tàn tật ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, và trên 200 dụng cụ ở các địa phương khác. Tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh City phục vụ cho 12 tỉnh miền Nam, 1.857 chân tay giả đã được sản xuất, trong đó 1.125 chiếc không phải cho nạn nhân bom mìn.[125] Tại Đà Nẵng, 544 chân tay giả đã được sản xuất và tại Cần Thơ, 519 chân tay giả đã được làm.[126] Không có con số dụng cụ được làm cho nạn nhân bom mìn, mặc dù ICRC biết có “3-6 người là nạn nhân bom mìn và không hề được lắp chân tay giả kể từ năm 1973 do sự hỗ loạn trongnhững ngày cuối cùng trước giải phóng.”[127] Hai sinh viên của trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành chương trình học 3 năm tại Trường đào tạo về dụng cụ chỉnh hình của MOLISA tại Hà Nội. Chương trình do Quỹ đặc biệt dành cho người tàn tật của ICRC tài trợ.[128]

Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ (ARC) tiến hành các dự án về người tàn tật ở 10 tỉnh cùng với VNRC. Các dự án này trợ giúp một số nạn nhân bom mìn, song số liệu cụ thể không được giữ cho đến nay. ARC đang lên kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật về lưu giữ số liệu cho VNRC như là một phần trong chương trình.[129]

Tổ chức Vietnam Assistance to the Handicapped (VNAH) hỗ trợ cho 5 trung tâm phục hồi chức năng ở Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Đà Nẵng và Hà Tây. VNAH không giữ số liệu về nạn nhân bom mìn được trợ giúp và giám đốc tại Việt Nam của VNAH ước tính rằng có dưới 12 nạn nhân mới được nhận dịch vụ chân tay giả trong năm 2002.[130] Thêm vào đó, VNAH đã tặng 2.500 xe lăn, xe ba bánh và chân tay giả trị giá 300.000 đôla cho các cựu chiến binh tàn tật trên cả nước trong năm 2002. Kinh phí do Quỹ Freeman của Mỹ tài trợ.[131]

Tổ chức Clear Path International (CPI) được phép cử các đội phản ứng nhanh tới xử lý các tai nạn bom mìn mới ở 6 tỉnh miền Trung. Các đội này sẽ điều tra địa điểm tai nạn, thanh toán hoá đơn y tế và chi phí phục hồi chức năng nếu cần. Trong năm 2001-2002, CPI đã hỗ trợ về y tế và xã hội cho 290 nạn nhân và gia đình của họ.[132] Chương trình phòng chống bom mìn và hỗ trợ nạn nhân toàn diện của CPI ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị đã hoàn thành tháng 6/2002. Một dự án tương tự tại huyện Vĩnh Linh nằm ở phía bắc Khu phi quân sự cũ hiện đang được tiến hành. Hoạt động mở rộng gần đây nhất của CPI là một biên bản thỏa thuận với tỉnh Quảng Bình, nơi các đội cứu hộ của CPI sẽ cùng với VNAH phân phát xe lăn, dụng cụ y tế và thiết lập một dự án toàn diện ở huyện Lệ Thủy.[133]

Tổ chức phi chính phủ Mỹ Kids First hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị thông qua chương trình học bổng cho trẻ em nghèo, trong đó có 100 học sinh khuyết tật do chiến tranh. Mức hỗ trợ trung bình là 50 đôla một người một năm. Kids First còn giúp kinh phí xây dựng trường tiểu học Song Hiếu tại thị xã Đồng Hà, trường học đầu tiên trong cả nước có đầy đủ điều kiện tiếp cận cho trẻ khuyết tật. Ngày 1/3/2003 bắt đầu xây dựng Làng Phục hồi chức năng trị giá 2.268 triệu đôla của Kids First ở Quảng Trị, nơi sẽ đào tạo thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật các kỹ năng kinh doanh, công nghệ thông tin, tiếp khách, làm đồ gỗ, kim khí và nông nghiệp. Làng sẽ cộng tác với các NGOs khác để đáp ứng nhu cầu về y tế và dạy nghề của nạn nhân bom mìn và những người khuyết tật khác.[134]

Dự án RENEW có phần hỗ trợ nạn nhân trong chương trình phòng chống bom mìn của họ ở tỉnh Quảng Trị. Là một phần trong chương trình, RENEW tổ chức tập huấn về sơ cứu đặc thù đối với nạn nhân bom mìn. RENEW còn làm việc với các nạn nhân bom mìn trong toàn huyện Triệu Phong để thiết kế các chương trình sáng tạo nhằm đưa người bị nạn trở lại với lao động. Dự án RENEW đã tập huấn 245 nhân viên y tế làm công tác cấp cứu và giúp 50 gia đình nạn nhân bom mìn bắt đầu sản xuất nấm.[135]

Tháng 1/2003, tổ chức Landmine Survivors Network (LSN) đã ký một thỏa thuận hai năm với ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch, Quảng Bình, về trợ giúp nạn nhân bom mìn và những người tàn tật khác. LSN có kế hoạch thu thập thông tin về tình hình nạn nhân trong huyện và áp dụng một mô hình đồng đẳng tự hỗ trợ, được thay đổi để thích ứng với điều kiện của Việt Nam.[136]

Chính sách về người tàn tật và thực tiễn

Pháp lệnh về người tàn tật của Chính phủ đã có hiệu lực kể từ 10/07/1999.[137] Ngày 22/11/2001, MOLISA đã thành lập một Ban điều phối Quốc gia về người tàn tật (NCCD) gồm đại diện của 20 cơ quan Chính phủ, với một ủy ban thường trực 6 thành viên.[138] ở cấp tỉnh và huyện, chính quyền hay ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm quản lý đối với công tác “chăm sóc và bảo vệ” người tàn tật.[139]

Tuy nhiên, vẫn còn những sự thiếu nhất quán giữa chính sách và thực tiễn cần được giải quyết. Tổ chức Lao động Quốc tế ILO báo cáo rằng trong số 14 mục tiêu do chương trình Thập kỷ Người tàn tật của UNESCAP (1993-2002) đặt ra, Việt Nam chỉ đạt được đầy đủ 2 mục tiêu và đạt được một phần 4 mục tiêu khác.[140] Ví dụ, bảo hiểm y tế cho người nghèo là một điều khoản qui định trong Pháp lệnh về người tàn tật 1998, song vẫn chưa được thực hiện.[141]

Các quan chức Việt Nam đã tham gia cuộc họp về hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở Sri Lanka do UNMAS và CARE tài trợ hồi tháng 3/2003. Các cán bộ của PACCOM, Dự án RENEW, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cục quân y Bộ Quốc phòng đã đến dự cuộc họp.[142]


[1] Phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tần, Cục trưởng, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, 13/05/2003.
[2] Phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Quý Bình, Bộ Ngoại giao, 16/05/2003.
[3] Andrew Wells-Dang, “Việt Nam đề ra những ưu tiên mới cho sự trợ giúp của các NGO quốc tế,” Interchange (Xuân 2003). .
[4] Phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tần, Cục trưởng, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, 13/05/2003.
[5] Vũ Toàn, “Cán bộ kiểm lâm bị đe doạ tính mạng khi truy bắt bọn săn trộm,” Viet Nam News, 13/04/2003.
[6] Dịch vụ Vietnam News, “Bom đánh cá nổ ngay trước mặt những người dân địa phương,” 19/09/2002.
[7] Đăng Lưu, “Nơi chỉ có những kẻ ngu ngốc mới chui vào,” Viet Nam News, 25/11/2002.
[8] “Những người dân nghèo địa phương chọn nghề chết người để kiếm sống”, Tiền Phong, 24/03/2003, tr. 7.
[9] Dự án RENEW và UNICEF, Điều tra KAP (Hiểu biết-ý thức-Hành vi), sắp công bố.
[10] BOMICO, “Tình hình ô nhiễm bom-mìn-vật nổ còn sót lại sau chiến tranh” (Situation on the Effects of Landmines, Bombs and Explosives Remaining After the War), dự thảo báo cáo do VVAF cung cấp, 2003, tr. 7. Xem thêm Landmine Monitor Report 2002, tr. 778, trong đó có trích con số ước tính 16.478 triệu mét vuông đất bị ô nhiễm.
[11] Đại tá Bùi Minh Tâm, “Cuộc chiến đấu sau chiến tranh” (The Struggle After the War), Sự kiện & Nhân chứng (nguyệt san quân đội), không rõ ngày, tr. 17, 31; “Hoạt động rà phá bom mìn ở Việt Nam và những thách thức”, bài chưa đăng, tháng 2/2002.
[12] David Holdridge như đã trích trong “Việt Nam, các tổ chức của Mỹ cùng hợp tác điều tra về bom mìn,” Dịch vụ Vietnam News, 29/01/2003.
[13] Phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tần, Cục trưởng, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, 13/05/2003.
[14] Phỏng vấn Nguyễn Quang Vinh, Trưởng ban, và Đại sứ Nguyễn Quý Bình, Phó ban, Ban Biên giới, Bộ ngoại giao, Hà Nội, 16/05/2003.
[15] Một số vụ tai nạn này cũng đã được báo chí quốc tế đưa tin. Ví dụ, “Quả bom thời chiến tranh Việt Nam làm chết một người ở Hà Nội”, Associated Press, 21/03/2002; “Ba người thiệt mạng trong một vụ nổ bom còn sót lại từ thời chiến tranh ở Nam Việt Nam,” Deutsche Presse-Agentur, 13/09/2002.
[16] Điều tra riêng của Landmine Monitor phát hiện phần lớn các vụ tai nạn ở Phú Yên; An Ninh Thủ Đô (báo), 20/12/2002, tr. 2, trích Gia Lai.
[17] Jason Rush, báo cáo “Những thành tích của Chương trình Bom mìn UNICEF trong năm 2002-3”, 5/2003, tr. 2; ủy ban 10-80, “Kết quả điều tra về thực trạng và nạn nhân bom mìn ở A Lưới,” 2001, tr. 34-35.
[18] Bài thuyết trình của Hugh Hosman, Đại diện, Clear Path International, tại cuộc họp Nhóm Công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/04/2003.
[19] Dự án RENEW và UNICEF, Điều tra KAP (Hiểu biết-ý thức-Hành vi), sắp công bố; ủy ban 10-80, “Kết quả điều tra về thực trạng và nạn nhân bom mìn ở A Lưới,” 2001, tr. 15-16.
[20] Công An TP. Hồ Chí Minh (báo ngày), 21/12/2002, tr. 1; Người Lao Động (báo ngày), 16/12/2002, tr. 4.
[21] Jason Rush, báo cáo “Những thành tích của Chương trình Bom mìn của UNICEF trong năm 2002-3”, 5/2003, tr. 1.
[22] Công ty Hatfield Consultants và ủy ban 10-80, Xây dựng phương pháp và kỹ thuật để hỗ trợ rà phá mìn và vật liệu chưa nổ ở Việt Nam, 1/2003, tr. 100.
[23] Bài thuyết trình của Hugh Hosman, Đại diện, Clear Path International, và Nick Proudman, Giám đốc chương trình, Mines Advisory Group, tại Nhóm công tác về bom mìn, Hà Nội, 17/01/2003; thông tin từ Vietnam Veterans of America Foundation, 23/05/2003.
[24] Công ty tư vấn Hatfield Consultants và ủy ban 10-80, Xây dựng phương pháp và kỹ thuật để hỗ trợ rà phá mìn và vật liệu chưa nổ ở Việt Nam, 1/2003.
[25] Bài thuyết trình của Brendan Cantlon, Giám đốc chương trình, Australian Volunteers International, tại Nhóm công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/04/2003.
[26] Phỏng vấn Chuck Searcy, Đại diện, Vietnam Veterans Memorial Fund, 9/04/2003; Dự án RENEW, “Báo cáo Điều tra tác động của bom mìn ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ,” (dự thảo), tr. 10; phỏng vấn Nguyễn Thị Vân Anh, Trợ lý, Vietnam Veterans Memorial Fund, 19/05/2003.
[27] Báo cáo tình hình bom mìn 2002, tr. 778-779.
[28] “Việt Nam, một tổ chức cựu chiến binh Mỹ thỏa thuận điều tra về bom mìn,” Associated Press, 29/01/2003.
[29] Bài thuyết trình của Guy Rhodes, Giám đốc chương trình, VVAF, tại Trung tâm dữ liệu Phi chính phủ, Hà Nội, 28/02/2003; thông tin từ VVAF, 23/05/2003.
[30] “Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ kinh phí Điều tra vấn đề mìn và vật liệu chưa nổ ở Việt Nam,” Thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao, 7/02/2003.
[31] Thông tin từ VVAF, 23/05/2003.
[32] Bài thuyết trình của Guy Rhodes, Giám đốc chương trình, VVAF, tại Trung tâm dữ liệu Phi chính phủ, Hà Nội, 28/02/2003.
[33] Xem Báo cáo tình hình bom mìn 2002, tr. 782.
[34] Đại tá Bùi Minh Tâm, “Cuộc chiến đấu sau chiến tranh” (The Struggle After the War), Sự kiện & Nhân chứng (nguyệt san quân đội), không rõ ngày tháng, tr. 17, 31.
[35] Phỏng vấn Chuck Searcy, Đại diện, Vietnam Veterans Memorial Fund, 9/04/2003.
[36] Phỏng vấn Hoàng Đăng Mai, Trưởng phòng, Phòng Đối ngoại tỉnh Quảng Trị, 17/04/2003.
[37] Họp Nhóm công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/01/2003; phỏng vấn tại Quảng Trị và Quảng Bình, 4/2003.
[38] Phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tần, Cục trưởng, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, 13/05/2003.
[39] Thông tin từ Vietnam Veterans of America Foundation, 23/05/2003.
[40] Phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tần, Cục trưởng, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, 13/05/2003. Giám đốc BOMICO cho số liệu hơi khác một chút, xê dịch từ 12-60 triệu đồng một hécta. Khoảng 15.400 đồng tương đương 1 đôla Mỹ.
[41] Đại tá Bùi Minh tâm, Giám đốc BOMICO, Báo cáo tóm tắt “Các hoạt động rà phá bom mìn ở Việt Nam và những thách thức”, chỉnh sửa tháng 2/2002.
[42] Phỏng vấn Nguyễn Quang Vinh, Trưởng ban, và Đại sứ Nguyễn Quý Bình, Phó ban Biên giới, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 16/05/2003.
[43] “Đoàn công tác biên giới của Bộ [Ngoại giao] tìm hiểu và làm việc tại các tỉnh Lai Châu và Lạng Sơn,” Quốc Tế (tuần báo), 24-30/04/2003.
[44] Phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tần, Cục trưởng, Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, 13/05/2003; thông tin từ Vietnam Veterans of America Foundation, 23/05/2003.
[45] Nhật báo Tuổi Trẻ (Youth), 23/04/2002, tr. 2; Quân Đội Nhân Dân (nhật báo), 23/04/2002, tr. 4; “ấn tượng Đường Hồ Chí Minh hôm nay” (Impressions of the Ho Chi Minh Highway Today), Công An Nhân Dân (nhật báo), 31/10/2002.
[46] Phỏng vấn Hoàng Đăng Mai, Trưởng phòng, Phòng Đối ngoại tỉnh Quảng Trị, 17/04/2003.
[47] Thông tin từ VVAF, 23/05/2003.
[48] Phỏng vấn Trần Khánh Phôi, Điều phối viên Phòng Đối ngoại Quảng trị đối với các dự án của MAG tại Quảng Trị, Mines Advisory Group, Quảng Trị, 18/04/2003.
[49] Số liệu thống kê tỉnh do Hoàng Nam, Điều phối viên Dự án RENEW, trích dẫn, Quảng Trị, 17/04/2003.
[50] Thông tin từ Lutz Vogt, Chủ tịch, Potsdam Kommunikation, 25/06/2003; Công ty tư vấn Hatfield Consultants và ủy ban 10-80, Xây dựng phương pháp và kỹ thuật hỗ trợ rà phá mìn và vật liệu chưa nổ ở Việt Nam, 1/2003, tr. 111-113.
[51] Thư điện tử gửi Landmine Monitor (HRW) từ Tim Carstairs, Giám đốc phụ trách chính sách, MAG, 22/07/2003; Phỏng vấn Trần Khánh Phôi, MAG, Quảng Trị, 18/04/2003.
[52] Thông tin từ Ilona Schleicher, Giám đốc dự án SODI, Berlin, 23/05/2003. Trong thư gửi Vietnam Veterans of America Foundation tháng 10/2002, GERBERA làm rõ rằng tổ chức này không thực hiện công việc rà phá hay tự ký hợp đồng phụ ở Việt Nam, mà chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho SODI và PK. Đây là điểm cần sửa trong Báo cáo tình hình bom mìn 2002, tr. 781.
[53] “Chính phủ Đức giúp một tỉnh miền Trung rà phá bom mìn,” Dịch vụ Vietnam News, 8/05/2002.
[54] Thư điện tử từ Lutz Vogt, Chủ tịch, Postdam Kommunikation, 25/06/2003. PK có đội ngũ nhân viên 44 người.
[55] Phỏng vấn Karl Heinz Werther, Giám đốc dự án, SODI, Quảng Trị, 17/04/2003; thông tin từ Lutz Vogt, Chủ tịch, Potsdam Kommunikation, 21/05/2003.
[56] “Rà phá bom mìn mở đường cho tái định cư,” Dịch vụ Vietnam News, 5/08/2002; Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003, tr. 8; thông tin từ Hugh Hosman, Giám đốc tại Việt Nam của CPI, 7/05/2003.
[57] Thông tin từ Chuck Meadows, Giám đốc điều hành, PeaceTrees Vietnam, 8/05/2003.
[58] “Một tổ chức của Mỹ đem hòa bình đến với mảnh đất bị chiến tranh tàn phá,” Dịch vụ Vietnam News, 24/09/2002.
[59] Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003, tr. 12-13; phỏng vấn Mick Raine, Cố vấn kỹ thuật, MAG, Quảng Bình, 21/04/2003.
[60] Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003, tr. 11; phỏng vấn Karl Heinz Werther, Giám đốc dự án, SODI/GERBERA, Quảng Trị, 17/04/2003.
[61] Thông tin từ Lutz Vogt, Chủ tịch, Potsdam Kommunikation, 21/05/2003.
[62] Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003; Nhóm công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/04/2003.
[63] Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003, tr. 11.
[64] Tiền Phong (nhật báo), 7/01/2003, tr. 2.
[65] Dịch vụ Vietnam News, “Một tổ chức của Mỹ đem hòa bình đến với mảnh đất bị chiến tranh tàn phá,” 24/09/2002.
[66] Người Lao Động (nhật báo), 18/03/2003, tr. 3; “Dự án rà phá bom mìn giải phóng đất đai cho phát triển,” Dịch vụ Vietnam News, 24/06/2002.
[67] Thông tin từ Trần Văn Thông, Điều phối dự án, Plan International, 28/04/2003.
[68] “Chính phủ Đức giúp một tỉnh miền Trung rà phá bom mìn,” Dịch vụ Vietnam News, 8/05/2002; Thông tin từ Lutz Vogt, Chủ tịch, Potsdam Kommunikation, 21/05/2003.
[69] Phỏng vấn ông Trần Văn Thanh, Giám đốc, Sở Y tế Quảng Trị, 18/04/2003.
[70] Bài trình bày của Bs. Trần Ngọc Lan, Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Diễn đàn Tri thức của Ngân hàng Thế giới, Hà Nội, 15/05/2003.
[71] “Những đứa trẻ chưa hề biết chiến tranh vẫn phải chịu đau khổ,” Dịch vụ Vietnam News, 19/06/2002.
[72] Phỏng vấn Jason Rush, Điều phối viên dự án bom mìn, UNICEF, 8/05/2003; Jason Rush, báo cáo “Những thành tích của Chương trình bom mìn UNICEF trong năm 2002-3,”, 5/2003, tr. 4-5.
[73] Phỏng vấn Hoàng Nam, Điều phối viên, Dự án RENEW, Quảng Trị, 17/04/2003; phỏng vấn Nguyễn Thị Vân Anh, Trợ lý, Vietnam Veterans Memorial Fund, 19/05/2003.
[74] Thông tin từ Nguyễn Thị Lê Khanh, Cán bộ dự án, Catholic Relief Services, 12 và 13/05/2003.
[75] Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003, tr. 16-17; thông tin từ Chuck Meadows, Giám đốc điều hành PeaceTrees Vietnam, 12/05/2003.
[76] Phỏng vấn Karl Heinz Werther, Giám đốc dự án, SODI/GERBERA, Quảng Trị, 17/04/2003.
[77] Thông tin từ Lutz Vogt, Chủ tịch, Potsdam Kommunikation, 21/05/2003.
[78] Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003, tr. 27; Thông tin cập nhật về VNAH và HealthEd, Thu 2002.
[79] Dự án RENEW và UNICEF, Điều tra KAP (Hiểu biết-ý thức-Hành vi), sắp công bố.
[80] Dự án RENEW, “Báo cáo Điều tra tác động của bom mìn ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị,” (dự thảo), tr. 41; Jason Rush, “báo cáo “Những thành tích của Chương trình bom mìn UNICEF trong năm 2002-3,”, 5/2003, tr. 2-3.
[81] Bài trình bày của Anat Prag, Giám đốc chương trình giáo dục của CRS, tại Nhóm công tác về bom mìn, Hà Nội, 17/01/2003; baid trình bày của CRS tại Ngày Sáng tạo Việt Nam, Hà Nội, 14/05/2003.
[82] Jason Rush, báo cáo “Những thành tích của Chương trình bom mìn UNICEF trong năm 2002-3,”, 5/2003, tr. 2.
[83] Phỏng vấn Hoàng Đăng Mai, Trưởng phòng Đối ngoại tỉnh Quảng Trị, 17/04/2003.
[84] Đại tá Bùi Minh Tâm, Giám đốc BOMICO, “Các hoạt động rà phá bom mìn ở Việt Nam và những thách thức” (báo cáo tóm tắt, chỉnh sửa tháng 2/2002).
[85] Như trên. Tính toán này dựa trên 8% diện tích đất đai của Việt Nam bị ô nhiễm (=26.500 km vuông) và chi phí rà phá trên một hécta theo đơn giá qủa quân đội.
[86] Bộ Ngoại giao Mỹ, “Bước đi trên mặt đất bình yên,” tháng 9/2002.
[87] Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ, “Chương trình rà phá bom mìn nhân đạo của Mỹ tài trợ máy dò mìn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam,” 8/10/2002.
[88] Thông tin từ Maj. Robb Etnyre, Văn phòng Tuỳ viên quân sự Mỹ, 5/05/2003.
[89] Nhân Dân (nhật báo), 1/11/2002, tr. 8; Tin Tức (News), 1/11/2002, tr. 2.
[90] Tuổi Trẻ (nhật báo), 23/04/2002, tr. 2; Quân Đội Nhân Dân (nhật báo), 23/04/2002, tr. 4.
[91] “úc giúp người dân địa phương thoát khỏi hậu quả chiến tranh,” Lao Động (nhật báo), 10/12/2002, tr. 7; Người Lao Động (nhật báo), 9/12/2002, tr. 4.
[92] Xem báo cáo quốc gia của Đức.
[93] Sách giới thiệu của Nhóm công tác về bom mìn, 1/2003.
[94] Như trên.
[95] An Ninh Thủ Đô (nhật báo), 20/12/2002, tr. 2.
[96] BOMICO, “Tình hình ô nhiễm bom-mìn-vật nổ còn sót lại sau chiến tranh” (Situation on the Effects of Landmines, Bombs and Explosives Remaining After the War), dự thảo báo cáo do VVAF cung cấp, 2003, tr. 7.
[97] Chi tiết đầy đủ về các bài báo hiện có ở Landmine Monitor. Trong nhiều trường hợp, các bài báo thường viết không rõ ràng về nguyên nhân chính xác của vụ việc, thường chỉ nói là “tai nạn”, và loại vật nổ thường là “bom”.
[98] Đại Đoàn Kết Cuối Tuần (Great Solidarity Weekend Edition), 27/01/2002, tr. 3.
[99] Bài trình bày của Hugh Hosman, Đại diện, Clear Path International, tại Nhóm Công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/04/2003.
[100] Dự án RENEW, “Báo cáo Điều tra tác động của bom mìn ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị,” (dự thảo), tr. 29, 32.
[101] Phỏng vấn Hoàng Đăng Mai, Trưởng phòng Đối ngoại tỉnh Quảng Trị, 17/04/2003.
[102] Phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Tần, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, 13/05/2003; Phỏng vấn Nguyễn Quang Vinh, Trưởng ban, và Đại sứ Nguyễn Quý Bình, Phó ban Biên giới, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 16/05/2003.
[103] Xem Báo cáo tình hình bom mìn 2002, tr. 785.
[104] Được báo cáo tại Nhóm Công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/04/2003.
[105] BOMICO, “Tình hình ô nhiễm bom-mìn-vật nổ còn sót lại sau chiến tranh” (Situation on the Effects of Landmines, Bombs and Explosives Remaining After the War), dự thảo báo cáo do VVAF cung cấp, 2003, tr. 7.
[106] Xem Báo cáo tình hình bom mìn 2001, tr. 589.
[107] Bài trình bày của Chuck Searcy, Đại diện, Vietnam Veterans Memorial Fund, tại Nhóm Công tác về bom mìn, Hà Nội, 17/01/2003; và Jason Rush, báo cáo “Những thành tích của Chương trình bom mìn UNICEF trong năm 2002-3,”, 5/2003, tr. 4.
[108] Dự án RENEW, “Báo cáo Điều tra tác động của bom mìn ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị,” (dự thảo), tr. 37-38.
[109] Xem Báo cáo tình hình bom mìn 2002, tr. 785.
[110] Số liệu từ cuộc điều tra ở huyện Phong Điền được cung cấp cho Landmine Monitor, 13/05/2003.
[111] “Việt Nam nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật,” Viet Nam News, 18/04/2003.
[112] Phỏng vấn Wilfried Raab, Giám đốc, VIETCOT, Hà Nội, 16/05/2003.
[113] Bộ Y tế, “Báo cáo từ Hội thảo quốc gia về hỗ trợ nạn nhân,” 25-26/09/2001, tr. 7-17.
[114] Hội thảo về dụng cụ chỉnh hình tại Bệnh viện đa khoa Huế do một NGO Pháp có liên quan đến Proteor hỗ trợ, và hội thảo tại Bệnh viện đa khoa Quảng Trị sản xuất một số lượng nhỏ dụng cụ chỉnh hình. Thư điện tử từ Patrick Le Folcalvez, Giám đốc chương trình, HIB Vietnam, 10/07/2003.
[115] Phỏng vấn Hugh Hosman, Đại diện, Clear Path International, Quảng Trị, 17/04/2003.
[116] Phỏng vấn Larry Wolfe, Giám đốc tại Việt Nam, Health Volunteers Overseas, Hà Nội, 8/05/2003; và thư điện tử từ Bùi Văn Toàn, Giám đốc tại Việt Nam, VNAH, 27/05/2003.
[117] Phỏng vấn Wilfried Raab, Giám đốc, VIETCOT, Hà Nội, 16/05/2003.
[118] Thư điện tử từ Patrick Le Folcalvez, Giám đốc chương trình, HIB Vietnam, 10/07/2003.
[119] Phỏng vấn Trần Văn Thanh, Giám đốc, Sở Y tế Quảng Trị, 18/04/2003.
[120] Thư điện tử từ Patrick Le Folcalvez, Giám đốc chương trình, HIB Vietnam, 25/04/2003.
[121] ủy ban 10-80, “Kết quả Điều tra tìnhhình và nạn nhân bom mìn ở huyện A Lưới,” 2001, tr. 37-8.
[122] Phỏng vấn Nguyễn Thu Thảo, Cán bộ chương trình, VVAF, 16/05/2003.
[123] Phỏng vấn Jason Rush, Điều phối viên dự án bom mìn, UNICEF, 20/05/2003.
[124] ICRC, “Chương trình nẹp chỉnh hình, hợp tác ba bên MOLISA-VNRC-ICRC ở Việt Nam” (báo cáo tóm tắt, tháng 2/2003), tr. 2.
[125] Thư điện tử từ Peter Poetsma, Đại diện ICRC, thành phố Hồ Chí Minh, 2/05/2003.
[126] Quỹ đặc biệt dành cho người tàn tật của ICRC, “Báo cáo thường niên 2002,” tr. 8.
[127] Thư điện tử từ Peter Poetsma, ICRC, 2/05/2003.
[128] Quỹ đặc biệt dành cho người tàn tật của ICRC, “Báo cáo thường niên 2002,” tr. 8.
[129] Bài trình bày của Nguyễn Minh Hương, Hội Chữ thập đỏ Mỹ, tại Nhóm Công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/04/2003.
[130] Thư điện tử từ Bùi Văn Toàn, Giám đốc tại Việt Nam, VNAH, 27/05/2003.
[131] Dịch vụ Vietnam News, 25/03/2003, tr. 3; Lao Động (Labor), 24/03/2003, tr. 3; và Thông tin cập nhật về VNAH và HealthEd, Thu 2002.
[132] Bài trình bày của Hugh Hosman, Đại diện, Clear Path International, tại Tổ chức Lao động Quốc tế, Nghiên cứu Việt Nam, 17/01/2003.
[133] Phỏng vấn Hugh Hosman, Đại diện, Clear Path International, Quảng Trị, 17/04/2003.
[134] Hoài Nam, “Làng ưu tiên hàng đầu cho trẻ khuyết tật,” Viet Nam News, 5/03/2003.
[135] Phỏng vấn Hoàng Nam, Điều phối viên, Dự án RENEW, Quảng Trị, 17/04/2003; xem thêm Báo cáo tình hình bom mìn 2002, tr. 785.
[136] Phỏng vấn Michelle Hecker và Joelle Caschera, LSN, Quảng Bình, 21/04/2003.
[137] Xem Báo cáo tình hình bom mìn 2001, tr. 591, để biết thêm chi tiết.
[138] Báo cáo tình hình bom mìn 2002, tr. 787; và Tổ chức Lao động Quốc tế, Nghiên cứu Việt Nam, tr. 30-1.
[139] Điều 16 của Nghị định thi hành số 55/1999/ND-CP (10/07/1999).
[140] Tổ chức Lao động Quốc tế, Nghiên cứu Việt Nam, tr. 49-52.
[141] Phỏng vấn Trần Văn Thanh, Giám đốc, Sở Y tế Quảng Trị, 18/04/2003.
[142] Bài trình bày của Đặng Hoàng Linh, PACCOM, tại cuộc họp Nhóm Công tác về bom mìn, Hà Nội, 25/04/2003; phỏng vấn Dương Trọng Huế, Dự án RENEW, Quảng Trị, 17/04/2003.